12 Bí Quyết Chụp Ảnh Phong Cảnh Đẹp Bạn Không Thể Bỏ Lỡ

31/01/2023 |

Vẻ đẹp của thiên nhiên, của phong cảnh là quy chuẩn cho định nghĩa về cái đẹp của con người. Nhiếp ảnh phong cảnh là cảm nhận và tìm ra cách để truyền tải cái đẹp của phong cảnh một cách trọn vẹn nhất. Nhiếp ảnh phong cảnh không đơn giản là chỉ tìm đến nơi có điều kiện tự nhiên đẹp mãn nhãn mà chụp, thực tế có thể phức tạp hơn bạn nghĩ.

Chụp ảnh phong cảnh được đánh giá là một trong những thể loại khó của nhiếp ảnh. Đứng tại một nơi có phong cảnh rất tầm thường, nhưng nhiệm vụ của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp là phải tìm khoảnh khắc “tỏa sáng nhất” tại nơi đó để làm nổi bật cái hay, cái đẹp mà ít ai nhận ra kể cả người dân địa phương. Bạn nghĩ mình đủ sẵn sàng để hoàn thành nhiệm vụ này chưa?

Do đó, nhằm giúp bạn tự tin để chụp ảnh phong cảnh đẹp hơn. Trong bài viết này, BH Asia sẽ giới thiệu cho bạn 12 bí quyết chụp ảnh phong cảnh đẹp mỹ mãn, trong số đó có một số bí quyết được bật mí từ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà bạn không nên bỏ lỡ!

1. Địa điểm

Nguyên tắc đầu tiên trong việc tạo ra những bức ảnh phong cảnh tuyệt vời là tìm kiếm và xác định vị trí thuận lợi cho bạn tác nghiệp, không phải bất kỳ nơi nào cũng thuận lợi cho bạn chụp ảnh. Hầu hết những bức ảnh phong cảnh đẹp đều không tình cờ mà chụp được.


(Nguồn ảnh: UnsPlash)

Nhiều nhiếp ảnh gia nhấn mạnh, chụp ảnh phong cảnh đẹp là kết quả của việc lập kế hoạch một cách cẩn thận khi đến đúng nơi, chọn đúng thời điểm. 

2. Ánh sáng

Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật nhiếp ảnh, nó được xem là linh hồn của một bức ảnh, đặc biệt là ảnh phong cảnh. Nó quan trọng đến mức đánh bật vai trò của địa điểm, bố cục và cả ý tưởng của bạn.


(Nguồn ảnh: Peter James)

Nếu ánh sáng không phù hợp với phong cảnh, tất nhiên trông ảnh rất kém hấp dẫn. Theo kinh nghiệm các các nhiếp ảnh gia, ánh sáng tốt nhất để chụp ảnh phong cảnh đẹp là vào bình minh hay hoàng hôn, chúng thường được gọi là giờ vàng. Một lưu ý là bạn nên hạn chế chụp ảnh phong cảnh giữa trưa khi trời nắng gắt.

Tuy nhiên, một vấn đề của chụp ảnh phong cảnh là điều kiện thời tiết, bạn cần có sự linh hoạt để xử lý tốt ánh sáng trong nhiều điều kiện khác nhau, ví dụ như trời âm u, nhiều mây hay sương mù. 

3. Độ sâu trường ảnh

Nhiều người chụp rất thích thiết lập ống kính có khẩu độ với độ mở lớn. Hãy tưởng tượng nếu bạn đặt khẩu độ ống kính là f/1.8 khi chụp phong cảnh, xin cam đoan rằng bức ảnh nhận về sẽ mang phong cách rất “vintage” khi mọi chi tiết của cảnh đều sẽ bị mất nét.


(Nguồn ảnh: Outdoor Photography School)

Do đó, việc thiết lập khẩu độ hay độ sâu trường ảnh là một phần rất quan trọng để chụp ảnh phong cảnh đẹp. Thực tế, các ảnh phong cảnh thường có độ nét đều ở phần tiền cảnh và hậu cảnh, vì vậy độ sâu trường ảnh cần sâu hơn so với khi chụp chân dung. 

Nếu bạn là người chụp mới, hãy thiết đặt máy ảnh về chế độ Ưu tiên khẩu độ A hoặc Av. Khẩu độ nên được thử nghiệm ở mức f/8 và tăng dần lên cho đến khi đạt được sự cân bằng giữa độ nét và độ sáng phù hợp với bức ảnh.

4. Bố cục

Bố cục khẳng định sự hấp dẫn và đầu óc sáng tạo của người chụp. Nhiều người mới bắt đầu chụp ảnh thường chụp theo nguyên tắc cân bằng, chủ thể nằm ở chính giữa bức ảnh, đường chân trời cắt phân nửa bức ảnh. Đây là cách làm không hay, vì vùng chính giữa là khu vực yếu nhất của khung hình.


(Nguồn ảnh: Professional Photographers of America)

Do đó, để chụp ảnh phong cảnh đẹp, bạn nên sắp xếp bố cục theo những quy tắc dựa trên tiêu chuẩn mỹ học và nghệ thuật thị giác. Nổi bật cho nhiếp ảnh phong cảnh là các bố cục theo quy tắc một phần ba, quy tắc đường dẫn,… Hãy thử nghiệm và thành thạo chúng, sau đó tự sáng tạo một bố cục riêng cho mình, ảnh phong cảnh của bạn sẽ chất lượng hơn rất nhiều đấy!

5. Sự kiên nhẫn

Nhiều nhiếp ảnh gia chia sẻ rằng, họ có khi phải đợi đến nửa ngày thậm chí lâu hơn, họ phải chụp đến hàng ngàn lần vì những yếu tố không mong muốn lọt vào khung hình, cho dù bức ảnh đó đang có bố cục rất hoàn hảo. 


(Nguồn ảnh: How To Photograph Your Life)

Do vậy, chụp ảnh phong cảnh đặc biệt đòi hỏi sự kiên nhẫn, ví dụ đôi lúc những đám mây thưa thớt tình cờ kết hợp với mặt trời tạo nên những tia sáng rất đẹp, đây là hiện tượng không phổ biến, để có ảnh đẹp bạn cần kiên nhẫn chờ đợi, yếu tố may mắn cũng là điều cần nhắc tới. 

Điều quan trọng là luôn cho phép bản thân có đủ thời gian ở yên một chỗ để chờ đợi khoảnh khắc vàng, tất nhiên nhiều người sẽ thấy chán. Hãy lập kế hoạch cụ thể trước, xem dự báo thời tiết trước khi đi để tối đa hóa cơ hội mà thiên nhiên ban tặng.

6. Mang theo chân máy

Nếu bạn muốn chụp ảnh phong cảnh đẹp nhất, vào một thời điểm xịn nhất với một chất lượng ảnh cao nhất, thì cái chân máy là dụng cụ cần được mang theo. 
Thời gian vàng để chụp phong cảnh thường rơi vào rạng sáng hoặc trời chạng vàng, lúc này ánh sáng thường khá yếu, do đó bạn cần phải tăng ISO và giảm tốc độ màn trập để xử lý tốt ánh sáng. Nếu mà không có tripod nhiều khả năng sẽ bị rung máy. 


(Nguồn ảnh: Tripodyssey)

Ngoài ra, việc trang bị chân máy cũng giúp bạn dễ dàng thực hiện kỹ thuật phơi sáng, vốn là thể loại rất ưa thích của nhiều nhiếp ảnh gia chụp phong cảnh chuyên nghiệp. Bạn hoàn toàn có thể chụp phơi sáng vào ban ngày tại sông, suối, biển,…với sự kết hợp giữa chiếc chân máy và một bộ filter.

7. Chụp ở định dạng RAW

Chụp ảnh phong cảnh đẹp cũng cần phải thực hiện khâu hậu kỳ một cách hoàn hảo, do đó hãy luôn chụp và xuất hình ảnh với định dạng RAW, có thể tốn dung lượng thẻ nhớ đáng kể nhưng nó là “sự hy sinh” xứng đáng.


(Nguồn ảnh: Digital Photography School)

File RAW chứa nhiều chi tiết và thông tin hơn, giúp bạn dễ dàng xử lý ảnh sáng, màu sắc và cả chi tiết của bức ảnh chỉ vài cú click chuột trên các phần mềm chỉnh sửa ảnh chuyên dụng. Ảnh phong cảnh cần độ nét, file RAW là yêu cầu cần thiết để thực hiện các giải pháp khôi phục đối với các ảnh bị mất nét thông qua thuật toán được phát triển trên Adobe Photoshop.

8. Histogram

Biểu đồ Histogram là một công cụ tuyệt vời trong nhiếp ảnh. Nếu bạn chưa biết về chúng, hãy tìm hiểu ngay cách đọc biểu đồ này, nó giúp bạn phát hiện các vấn đề về ánh sáng và màu sắc để cải thiện chất lượng hình ảnh một cách đáng kể.

Histogram là một biểu đồ có cách thể hiện trực quan, giao diện đơn giản, nó hiển thị sự phân bố các tông màu khác nhau trong hình ảnh. Phía bên trái của biểu đồ là các tông màu tối và phía bên phải của biểu đồ là những tông màu sáng.


(Nguồn ảnh: Iceland Photo Tours)

Ví dụ, nếu bạn thấy rằng phần lớn biểu đồ bị lệch sang một bên, đây là dấu hiệu cho thấy ảnh đang bị dư sáng hoặc thiếu sáng. Nếu bạn là người mới chụp hay cố gắng đều chỉnh thông số để cân bằng biểu đồ này về chính giữa để hiểu rõ hơn về biểu đồ này. Thực tế là các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường không chuộng ảnh có màu và ánh sáng ở mức tiêu chuẩn, trông nó khá đơn điệu.

Trong trường hợp biểu đồ có xu hướng nằm lệch hẳn về cạnh trái hoặc phải, điều này cho thấy rằng một số phần ảnh bị mất chi tiết theo kiểu cháy sáng hoặc quá tối. Đây là hiện tượng gây bất lợi lớn trong khâu hậu kỳ hình ảnh, lúc này bạn cần điều chỉnh ngay các thông số máy ảnh để khắc phục.

9. Ống kính góc rộng

Khi xem ảnh phong cảnh, chúng ta thường thấy những bức ảnh có cỡ cảnh rất rộng, đó là do các nhiếp ảnh gia phong cảnh mong muốn thu lại nhiều chi tiết của không gian vào trong một bức hình duy nhất. Để tạo ra được những khoảnh khắc như vậy, sự cần thiết của những chiếc ống kính góc rộng là thứ cần được nhắc đến!


(Nguồn ảnh: CameraLabs)

Tiêu cự phù hợp cho nhiếp ảnh phong cảnh thường nhỏ hơn 35mm. Ngoài ra, nếu bạn vừa muốn chụp ảnh phong cảnh đẹp vừa hướng đến sự toàn diện và chuyên nghiệp, hãy lựa chọn những chiếc lens có độ hoàn thiện cao cấp với khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt, kết cấu quang học đủ tốt để xử lý các hiện tượng quang sai, biến dạng đặc trưng của ống kính góc rộng nhằm cho ra những bức ảnh xuất sắc nhất.

Xem thêm: Lens zoom siêu góc rộng chụp phong cảnh đẹp

10. Không bỏ sót thứ gì tại nhà

Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ không làm buổi chụp phong cảnh của họ trở nên tệ hại khi bỏ quên bất kỳ thiết bị nào cần thiết ở nhà. Thực tế nhiều người mới bắt đầu chụp thường bỏ quên những thứ “tối quan trọng” trong nhiếp ảnh như thẻ nhớ, viên pin hay thậm chí là ống kính hoặc body máy ảnh.

Do vậy, để chụp ảnh phong cảnh đẹp, trước tiên phải lên kế hoạch chu đáo và chuẩn bị một túi đồ nghề thật sự “ngon lành” cho bản thân. Bạn phải có đầy đủ “súng ống” thì mới lâm trận được chứ đúng không nào!?

11. Chế độ lấy nét

Nếu bạn muốn chụp ảnh phong cảnh đẹp mà không muốn lãng phí nhiều thời gian và công sức, hãy đảm bảo rằng việc lấy nét chủ thể phải luôn được thực hiện chính xác bằng cách sử dụng các chế độ lấy nét phù hợp.


(Nguồn ảnh: Brian Worley)

Hiện nay, các chế độ lấy nét như AI-Servo trên Canon hoặc AF-C của Nikon cho khả năng theo dõi đối tượng chuyển động và đảm bảo chúng phải liên tục nằm trong vùng được focus. Khi kết hợp chế độ lấy nét này với chế độ chụp liên tục, bạn có thể chắc chắn rằng ảnh phong cảnh của mình, đặc biệt với sự góp mặt của động vật hoang dã hay những yếu tố chuyển động như lá cây, giọt nước, con người,…sẽ luôn trọng trạng thái “nét căng đét” nhất.

12. Tôn trọng thiên nhiên

Chụp ảnh phong cảnh đẹp nhất là khi đạt được sự kết hợp giữa hình ảnh đẹp và một tâm thức đẹp của tác giả. Đừng bất chấp tất cả mà làm tổn hại đến môi trường xung quanh nhằm dàn xếp bối cảnh để tạo ra bộ ảnh đẹp nhất.


(Nguồn ảnh: Photography Talks)

Hãy luôn nhớ rằng, những gì bạn mang đến thì bạn có nghĩa vụ phải mang chúng đi. Không bao giờ bỏ lại rác hoặc bất cứ thứ gì tại nơi tác nghiệp nhé!

Mong rằng, bài viết này có thể giúp bạn dễ dàng hơn để chụp ảnh phong cảnh đẹp nhất, mãn nhãn nhất, ý nghĩa nhất. Nếu bạn có ý tưởng nào khác về chụp ảnh phong cảnh, xin hãy để lại bình luận ở phía bên dưới để BH Asia và mọi người cùng biết nhé!

Bạn có thể trải nghiệm và mua lens Sigma chụp chân dung chất lượng tại Showroom BH Asia - Nhà phân phối do Sigma ủy quyền tại Việt Nam: 10E Trần Nhật Duật, Phường Tân Đinh, Q1, HCM.

Xem thêm:

Nguồn ảnh: UnsPlash Nguồn ảnh: Peter James Nguồn ảnh: Outdoor Photography Schoo Nguồn ảnh: Professional Photographers of America Nguồn ảnh: How To Photograph Your Life Nguồn ảnh: Tripodyssey Nguồn ảnh: Digital Photography School Nguồn ảnh: Iceland Photo Tours Nguồn ảnh: CameraLabs Nguồn ảnh: Brian Worley Nguồn ảnh: Photography Talks

Bạn có thể trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm và phụ kiện nhiếp ảnh chính hãng, chất lượng, miễn phí tại 

Showroom BH Asia - Nhà phân phối độc quyền Sigma tại Việt Nam

Địa chỉ: 23-25 Trần Nhật Duật, Phường Tân Định, Quận 1, HCM.

Hotline tư vấn miễn phí: 077 38 38 275 - 09 38 38 8103.